Với vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, được kết nối với Quốc lộ 1A và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cảng Chu Lai (công ty thành viên của THILOGI) đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics theo trục Bắc - Nam và một phần của hành lang kinh tế Đông - Tây. Nhằm gia tăng năng lực phục vụ hoạt động xuất khẩu, đưa cảng Chu Lai trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu quốc tế, bên cạnh các tuyến vận chuyển nội địa, THILOGI đã hợp tác với các hãng tàu mở các tuyến hàng hải trực tiếp từ các cảng lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ về cảng Chu Lai và ngược lại.
Tháng 8/2016, THILOGI hợp tác với hãng tàu SITC - một trong những hãng vận tải hàng đầu châu Á khai trương tuyến hàng hải container quốc tế trực tiếp từ Hàn Quốc về cảng Chu Lai với tần suất 2 chuyến/tuần. Tháng 3/2018, THILOGI hợp tác với APL - một trong những hãng tàu container lớn nhất thế giới mở tuyến hàng hải quốc tế Nhật Bản - Chu Lai với tần suất 1 chuyến/tuần. Tháng 4/2018, tuyến Qinzhou (Trung Quốc) - Chu Lai thông qua hợp tác với hãng tàu COSCO được khai trương với tần suất 1 chuyến/tuần.
Gần đây nhất, THILOGI đã hợp tác với hãng tàu ZIM (Israel) khai thác các tuyến: Thượng Hải, Đại Phong, Khâm Châu (Trung Quốc) - Chu Lai, Ấn Độ - Chu Lai và ngược lại với tần suất 1 chuyến/tuần. Với tuyến vận chuyển này, cảng chu Lai được thêm vào hải trình châu Á - Địa Trung Hải - châu Âu (AME) của ZIM, đây là tuyến băng qua kênh đào Suez - tuyến đường biển ngắn nhất nối liền lục địa Á - Âu. Hành trình của AME qua các cảng: Busan, Kwangyang, Pyeongtaek (Hàn Quốc), Đại Phong, Thượng Hải, Hong Kong, Khâm Châu (Trung Quốc), Hải Phòng, Chu Lai và quay trở lại Thượng Hải sau đó đến các cảng lớn của Mỹ, châu Âu... Tuyến dịch vụ này sẽ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa đến các nước châu Á, Trung Đông, châu Âu, châu Mỹ khi không phải trung chuyển ở cảng nước ngoài.
Việc phát triển các tuyến vận tải này đã mở ra cơ hội giao thương hàng hóa của các doanh nghiệp miền Trung đến các cảng biển lớn trên thế giới, thúc đẩy hoạt động xuất - nhập khẩu và logistics trong khu vực.
Hiện nay, hàng nhập khẩu chiếm khoảng 40% tổng lượng hàng hóa qua cảng Chu Lai, chủ yếu là từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Đối với hàng nội địa, THILOGI khai thác hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp như VSIP, Dung Quất (Quảng Ngãi), Bắc Chu Lai, Tam Thăng, Thuận Yên (Quảng Nam) và các khu vực lân cận khác như Bình Định, các tỉnh Tây Nguyên, Lào và Campuchia. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm hạt nhựa, đồ gỗ nội - ngoại thất, tinh bột sắn, thép, hàng dệt may, thiết bị, viên nén, sợi vải dùng trong ngành lốp ô tô, hàng nông sản… với tổng sản lượng trong 6 tháng đầu năm là hơn 1 triệu tấn.
Thời gian qua, THILOGI đã đầu tư mở rộng về quy mô, nâng cấp toàn bộ chuỗi dịch vụ thông qua việc triển khai hàng loạt dự án như khởi công xây dựng bến cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu 50.000 tấn, mở rộng xây dựng mới các kho bãi tại cảng Chu Lai; đầu tư các thiết bị, phương tiện vận chuyển hiện đại; tối ưu hóa các phương thức giao nhận và phát triển các dịch vụ mới, trong đó có vận tải nông sản... Thời gian tới, THILOGI tiếp tục mở thêm các tuyến vận tải quốc tế, hợp tác với các hãng tàu lớn trên thế giới để đẩy mạnh khai thác hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Chu Lai, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp miền Trung - Tây Nguyên và Lào, Campuchia.
NHƯ THẢO