Lễ xuất khẩu sơ mi rơ moóc sang thị trường Mỹ
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi lễ
Lô hàng 870 sơ mi rơ moóc đầu tiên
Đầu tư sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ
Từ năm 2003, THACO đã đầu tư sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ với mục đích gia tăng tỷ lệ nội địa hóa theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 (quyết định số 175/2002/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ). Đến nay, ô tô của THACO có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất Việt Nam với xe tải đạt 45%, xe bus đạt 60%, một số mẫu xe du lịch đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, đáp ứng điều kiện hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các nước ASEAN. THACO đã xuất khẩu xe du lịch Kia sang Myanmar, Thái Lan; xe bus sang Philippines, Thái Lan, Singapore và xe tải sang Campuchia. Bên cạnh việc sản xuất phục vụ cho ô tô, THACO đã cung ứng linh kiện OEM cho các đối tác sản xuất ô tô trong nước như: Toyota, Isuzu, Hyundai, Piaggio và nhận gia công cơ khí các sản phẩm công nghiệp và dân dụng cho các đối tác như: General Electric, Doosan, Makitech… Đặc biệt, THACO đã xuất khẩu sản phẩm cơ khí và công nghiệp hỗ trợ sang một số thị trường lớn và cao cấp như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Trong đó, sơ mi rơ moóc được xác định là sản phẩm chiến lược mà THACO có nhiều lợi thế tại các thị trường chủ lực là Mỹ, Canada, Úc và các nước ASEAN.
Cùng với xu hướng dịch chuyển sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ từ các nước phát triển sang Việt Nam, đồng thời, thực hiện chiến lược đa ngành và chương trình tái cấu trúc của THACO, Tổng công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ - THACO Industries được thành lập bao gồm 19 nhà máy, có diện tích 120 hecta, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng với hơn 4.200 nhân sự, với mục tiêu phát triển công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trở thành ngành sản xuất kinh doanh chính của THACO và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, có đóng góp quan trọng phát triển ngành công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Nghiên cứu thị trường, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu
Nắm bắt xu thế tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại song phương Việt Nam và Hoa Kỳ, THACO đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu xuất khẩu sản phẩm sơ mi rơ moóc và được nhiều tập đoàn, công ty, quan tâm.Đến nay, PITTS Enterprises - một trong 15 nhà sản xuất lớn tại khu vực Bắc Mỹ đã ký kết với THACO xuất khẩu 15.500 sơ mi rơ moóc trong năm 2022, trị giá 215 triệu USD và đối tác đã chuyển tiền đặt cọc trước 30% giá trị, tương đương 64,5 triệu USD.
Đóng kiện sơ mi rơ moóc xuất khẩu
Sản phẩm sơ mi rơ moóc xuất khẩu
Vận chuyển sơ mi rơ moóc đến cảng Dung Quất để xuất khẩu sang Mỹ
Trong sự kiện, THACO Industries và PITTS Enterprises chính thức ký kết Thỏa thuận độc quyền phân phối sơ mi rơ moóc sang thị trường Mỹ, doanh số 25.000 sơ mi rơ moóc trong năm 2023, giá trị 350 triệu USD. Tổng doanh số mà PITTS Enterprises cam kết phân phối trong 2 năm 2022 - 2023 là 40.500 sơ mi rơ moóc có giá trị 565 triệu USD. Đồng thời tại buổi lễ, THACO đã xuất khẩu lô hàng 870 sơ mi rơ moóc đầu tiên của thỏa thuận trên. Ngày 3 tháng 1 năm 2022 xuất khẩu 1.400 sơ mi rơ moóc; ngày 7 tháng 2 năm 2022 xuất khẩu 1.200 sơ mi rơ moóc và bình quân mỗi tháng tiếp theo xuất khẩu 1.200 sơ mi rơ moóc. Việc vận chuyển được thực hiện bởi hãng tàu quốc tế là Liberty Global Logistics (Mỹ) bằng tàu chuyên dụng RoRo.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ với THACO mà còn với cả ngành công nghiệp cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, bởi điều này nói lên khả năng hội nhập và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy do đại dịch Covid-19 gây ra thì việc THACO tìm kiếm đối tác và ký kết hợp tác chiến lược với một trong những Tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ đồng thời bàn giao gần 1.000 sơ mi rơ moóc đầu tiên trong năm nay để xuất khẩu là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực vượt bậc của THACO.
Bãi sơ mi rơ moóc thành phẩm tại KCN THACO Chu Lai
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương đã biểu dương những kết quả đạt được của THACO trong thời gian qua, không chỉ chiếm lĩnh phần lớn thị trường ô tô trong nước, mà còn vươn ra thị trường khu vực và thế giới, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp quan trọng, tích cực cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp Việt Nam và tăng thu cho ngân sách nhà nước. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc THACO ký kết hợp tác chiến lược với một trong những tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ là “khẳng định năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp có đủ khả năng tham gia và cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là tại Hoa Kỳ - một trong những thị trường có tiêu chuẩn rất cao về chất lượng hàng hóa. Đồng thời, cũng thể hiện mối quan hệ hợp tác, đối tác toàn diện tốt đẹp, có tính bổ trợ lẫn nhau giữa 2 nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ”.
Dây chuyền sản xuất sơ mi rơ moóc
Để đáp ứng sản lượng lớn xuất khẩu tại thị trường Mỹ; đồng thời xuất khẩu sang các thị trường khác như Nhật Bản, Canada, Úc…THACO sẽ đầu tư xây dựng mới Nhà máy Sơ mi rơ moóc và Cấu kiện nặng, công suất 20.000 sản phẩm/năm với công nghệ hiện đại, dây chuyền khép kín gồm: hàn robot, phun bi bề mặt, sơn nhúng tĩnh điện ED với chiều dài đến 18m; sơn hoàn thiện tĩnh điện bột, dây chuyền lắp ráp, kiểm định và sẽ được đưa vào hoạt động từ tháng 6/2022. Đồng thời, để thực hiện chiến lược phát triển logistics tại Chu Lai - Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung, THACO đầu tư xây dựng bến cảng và luồng tuyến mới ở khu vực Cửa Lở để đón tàu có trọng tải đến 5 vạn tấn, từng bước phát triển cảng Chu Lai trở thành cửa ngõ quốc tế, kết nối với Tây Nguyên, Lào, Campuchia và hai miền Nam, Bắc.
Trong thời gian tới, THACO cam kết sẽ tiếp tục đầu tư phát triển cơ khí và công nghiệp hỗ trợ bằng nội lực, đồng thời tăng cường kết nối với các doanh nghiệp có ngành nghề liên quan bên ngoài để tối ưu hóa chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh cơ khí và công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu trong nước và cạnh tranh được với khu vực và thế giới.
THACO GROUP