Phòng An ninh bảo vệ THACO Chu Lai hiện có hơn 200 nhân sự, trong đó có 15 nhân sự nữ. Nếu các nam bảo vệ có thế mạnh thể lực tốt, sự quyết đoán, khả năng ứng biến nhanh… thì nữ giới cũng có những ưu điểm riêng như: độ nhạy cảm, sự kiên trì, mềm dẻo trong giao tiếp ứng xử, kiềm chế cảm xúc tốt… Có thể nói, sự hiện diện của các chị như một gam màu nhẹ nhàng, tươi mới làm mềm hóa công việc tưởng chừng khô khan của đội ngũ bảo vệ.
Vốn có cá tính mạnh mẽ và đam mê võ thuật, năm 20 tuổi, chị Trần Thị Khê quyết định ra Đà Nẵng học nghề bảo vệ dù người thân, bạn bè đều can ngăn vì sợ nghề này vất vả, hiểm nguy. Năm đó, cả lớp gần 30 học viên chỉ có duy nhất chị là nữ. Tại đây, chị được đào tạo bài bản về kỹ năng, nghiệp vụ và càng yêu thích, muốn gắn bó với nghề. Chị tâm sự: “Lâu nay bảo vệ được coi là nghề chỉ dành cho nam giới bởi đòi hỏi thể lực tốt, sức chịu đựng cao, hay làm ca thức đêm… Thế nhưng, tôi cảm thấy nghề này rất phù hợp với mình và đã gắn bó 11 năm. Để đáp ứng yêu cầu công việc, tôi không ngừng rèn luyện thể lực, kỹ năng nghiệp vụ và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Chị Trần Thị Khê
Hơn 14 năm làm nghề, chị Nguyễn Thị Song Tuyền - bảo vệ Văn phòng Chu Lai đã gặp không ít tình huống nguy hiểm, đòi hỏi phải phản xạ nhanh nhạy, xử lý khéo léo. Chị vẫn nhớ như in: “Cách đây 6-7 năm, lúc đó trời đã nhá nhem tối, tôi đang trực thì có hai thanh niên xô xát trước cổng nhà máy Tải. Đang giằng co, một người bất ngờ chạy vào sau cổng ẩn nấp. Người còn lại ra lấy dao rồi hùng hổ đuổi theo. Thấy tình huống nguy cấp, tôi lập tức chạy đến lựa lời can ngăn, nhẹ nhàng khuyên giải người cầm dao, đồng thời giám sát hành vi của người đang ẩn náu. Sau một hồi nghe tôi phân tích thiệt hơn, cơn giận lắng xuống, thanh niên cầm dao quay lưng bỏ đi”. Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp chị Tuyền vận dụng thế mạnh của nữ giới để xử lý một cách khéo léo, linh hoạt. Với những nỗ lực trong công việc, chị Tuyền có 8 năm đạt danh hiệu nhân viên giỏi.
Chị Nguyễn Thị Song Tuyền
Là người đầu tiên tiếp xúc, làm việc với đối tác và khách hàng, đội ngũ bảo vệ được xem như “bộ mặt” của THACO Chu Lai, tạo nên ấn tượng ban đầu về công ty. Ý thức rõ điều đó, bên cạnh nâng cao thể lực, kỹ năng nghiệp vụ, các chị chú trọng rèn luyện cách giao tiếp, ứng xử, xây dựng hình ảnh thân thiện, chuyên nghiệp. THACO Chu Lai thường xuyên đón tiếp khách và đối tác nước ngoài nên chị em còn tích cực học ngoại ngữ để giao tiếp. Chị Mai Thị Hạnh - bảo vệ nhà máy Tải khá tự tin với vốn ngoại ngữ của mình. Chị kể, có lần, thấy một vị khách hút thuốc và dùng điện thoại chuẩn bị chụp hình trong nhà máy, chị đã khéo léo nhắc nhở khách bằng tiếng Anh. Vị khách ngoại quốc tròn mắt ngạc nhiên, sau đó vui vẻ thực hiện theo quy định. Ông còn hào hứng tập đánh vần tên chị và bày tỏ sự cảm mến đối với nữ bảo vệ. Chị Hạnh chia sẻ: “Khi mình thực sự yêu thích và tâm huyết với công việc, đó là điều hạnh phúc. Hơn 13 năm làm công việc này với nhiều khó khăn, thử thách nhưng khi nỗ lực vượt qua, tôi cảm thấy rất vui và như chiến thắng được bản thân mình”. Như một mối lương duyên, nghề bảo vệ chính là “cầu nối” để chị Hạnh và anh Trần Duy Anh - bảo vệ Nhà điều hành THACO Chu Lai gặp gỡ rồi nên duyên vợ chồng, cùng thấu hiểu, sẻ chia và giúp đỡ nhau trong công việc.
Chị Mai Thị Hạnh
Anh Trình Viết Sen, phụ trách phòng An ninh bảo vệ THACO Chu Lai cho biết: “Sự góp mặt của các nhân sự nữ giúp chúng tôi thêm hào hứng, vui vẻ trong công việc, giúp bổ khuyết những hạn chế của anh em chúng tôi. Các bạn đã có nhiều sáng kiến, giải pháp thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời chủ động sắp xếp thời gian để vừa sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa chăm lo cho gia đình”.
Dấn thân vào một nghề có tính chất nguy hiểm và gian khổ, nhưng bằng tâm huyết, lòng yêu nghề, nỗ lực vượt khó, các nữ bảo vệ chính là những “bông hồng” góp phần giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ sự bình yên tại KCN THACO Chu Lai.
THACO GROUP