Đầu tháng 6/2020, lô hàng 13.400 tấn viên nén gỗ của công ty Nguyên liệu giấy Quảng Nam đã được xuất khẩu sang Nhật Bản. Đây cũng là một trong những mặt hàng có số lượng xuất khẩu lớn qua cảng thời gian qua.
Viên nén gỗ là một dạng năng lượng sinh khối có thể tái tạo được. Với đặc tính cung cấp nhiệt lượng tốt và thân thiện môi trường, sản phẩm được sử dụng làm nhiên liệu chất đốt cho các nhà máy nhiệt điện (thay thế than đá, dầu) và dùng trong thiết bị tạo nhiệt của các ngành công nghiệp, dân dụng. Để xuất khẩu, sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật, chứng nhận bảo vệ rừng FSC (chứng nhận dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng bảo đảm tiêu chí về phát triển bền vững) và các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng trong quá trình vận chuyển và xuất khẩu hàng hóa. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu viên nén gỗ lớn, thị trường tiêu thụ chính là các nước châu Á và Mỹ.
Việc lựa chọn cảng để xuất khẩu hàng viên nén gỗ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt và đảm bảo chất lượng theo quy định của đối tác Nhật Bản, dựa trên các tiêu chí như: thời gian làm hàng nhanh, đảm bảo vệ sinh, đảm bảo chất lượng và số lượng khi vận chuyển... Trước khi quyết định xuất - nhập hàng, đối tác Nhật Bản đã cử chuyên gia đến cảng Chu Lai để khảo sát về năng lực xếp dỡ, phương tiện, thiết bị và phương thức làm hàng, khả năng giải phóng tàu nhanh cũng như việc đảm bảo chất lượng hàng hóa trong quá trình xếp dỡ, vận chuyển... và lựa chọn là cảng xuất khẩu hàng viên nén gỗ.
Thời gian qua, cảng Chu Lai đã hợp tác xuất khẩu hàng viên nén gỗ cho nhiều doanh nghiệp như Năng lượng sáng tạo Á Châu (Quảng Ngãi), Nguyên liệu giấy Quảng Nam, Nguyệt Anh (Bình Định), King Lion (Bình Dương), Tsung Chang Vina (TP. Hồ Chí Minh). Trong đó, Năng lượng sáng tạo Á Châu là doanh nghiệp đã xuất khẩu mặt hàng này qua cảng Chu Lai trong suốt 4 năm qua. Từ đầu năm đến nay, công ty đã xuất khẩu hơn 30.000 tấn viên nén gỗ sang các cảng tại Nhật Bản, tăng 388% so với cùng kỳ năm ngoái. Đánh giá về dịch vụ của cảng Chu Lai, đại diện công ty cho biết cảng đã có những thay đổi đáng kể về cung ứng dịch vụ so với trước đây, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao với chi phí hợp lý hơn. Hiện nay, một số doanh nghiệp tại miền Trung và Tây Nguyên cũng đã tìm hiểu cơ hội hợp tác với cảng Chu Lai để đưa nguồn hàng xuất khẩu qua cảng theo các phương thức như đóng hàng container và hàng rời.
Cảng Chu Lai do tổng công ty THILOGI (trước đây là Chu Lai Logistics) thuộc THACO đầu tư xây dựng từ năm 2012. Đây là cảng tổng hợp, có thể tiếp nhận tàu vận chuyển nhiều loại hàng như hàng container, hàng rời, hàng lỏng, hàng siêu trường siêu trọng…
Với vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, cảng Chu Lai đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics theo trục Bắc - Nam và một phần của hành lang kinh tế Đông - Tây. Cùng với việc đẩy mạnh khai thác các tuyến vận chuyển nội địa, cảng đã hợp tác với các hãng tàu lớn mở các tuyến hàng hải quốc tế đến các cảng biển lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ. Gần đây, cảng đã hợp tác với hãng tàu Zim (Israel) khai thác các tuyến vận tải và được thêm vào hải trình châu Á - Địa Trung Hải - châu Âu của Zim, đây là tuyến băng qua kênh đào Suez - tuyến đường biển ngắn nhất nối liền lục địa Á - Âu. Nhờ năng lực hoạt động được nâng cao, cảng Chu Lai đang thu hút ngày càng nhiều các hãng tàu và doanh nghiệp xuất nhập hàng qua cảng.
NHƯ THẢO